Tue. Apr 30th, 2024

💢 TỦI NHỤC TU NGHIỆP SINH ISRAEL !?

Hẳn là trước khi qua, ai cũng ấp ủ nhiều mơ ước: được học tập, được trải nghiệm, được du lịch, tiếp xúc với cuộc sống, văn hóa Do Thái, những người được mệnh danh là bộ óc thông minh của thế giới,… và mình cũng không nằm ngoài số đó. Hy vọng là vậy, thế nhưng,… Liệu đời có như là mơ ?

Xuống sân bay, một sự phấn khích hiện lên sau một hành trình dài hơn 7000km cũng đã tới nơi. 1h sáng Tel-aviv, chuyến xe bus đến đón tu nghiệp sinh tới những nơi được chọn cho bốc thăm ngẫu nhiên, 5h sáng chạm điểm đến. Bước chân xuống, ngỡ sẽ thấy một màu xanh sạch như trời Âu, vậy mà cảnh tượng bao quanh toàn đá với sỏi, ánh mặt trời chưa kịp lên đã thấy nóng hừng hực, nhà cửa lưa thưa tập trung một cụm. Lúc đầu mình cũng chẳng biết là đang lưu lạc nơi đâu, sau hỏi người ngoài đường mới biết là đang ở Kibbutz, nhưng tụi mình chỉ ở phía đối diện, trong những thùng container được sửa chửa lại tiện cho việc ăn ở sinh hoạt. Căn phòng rộng 24 mét vuông cho 9 người ở giường tầng như KTX, sàn nhà được phủ bởi những lớp bê tông cũ kỹ, chỗ có chỗ không, đi qua đi lại một tí là một lớp bụi bay lên nhờ nhờ sẵn sàng bám lấy tất cả mọi thứ trong phòng. Màng nhện cuộn thêm lớp bụi phù đầy máy điều hoa đã không còn nắp, cứ như bỏ đi cả chục năm rồi. Dù đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ, qua đây để chịu khổ, để rèn luyện nhưng thật sự mình vẫn không tránh khỏi cú SHOCK.

Đã vậy, trước đấy chủ Kibbutz cho một người qua đón trễ, có xe ô tô nhưng “cũng chỉ để đó và không nói gì thêm”, bắt mỗi người tự khiêng vác hành lý vali đoạn đường cát đá hơn 1km, có đứa tới nơi thì hư luôn cái vali, và người lái xe kia đưa tới nơi ở giới thiệu vài thứ, thông báo hôm sau đi làm rồi lạnh lùng ra đi, làm mình đi hết ngạc nhiên này đến bất ngờ khác.

Đói – Mệt – Shock – Lo lắng, tụi mình đã phải gọi điện đi gọi điện lại bên trường xác nhận, sợ bị đưa nhầm chỗ. Hoang mang vì chỗ này như một trại tập trung, tạm gọi là như thế vì hội đủ các chủng tộc màu da, tứ phía bao vây. Bên trái là khu Ả Rập, với những đôi mắt lạnh lùng, không bao giờ dám nhìn thẳng. Kenya và Sudang ở phía đối diện, hoàng hôn nào cũng tập trung thành hàng, cúi người quỳ gối cầu nguyện và đọc thánh kinh rất nhập tâm, Một cảm giác vừa lạ vừa sợ khi lướt mắt qua, sợ đụng chạm gì đó tôn giáo của họ. Bên phải là anh em láng giềng Thái lan, anh nào anh nấy xăm đầy mình, mặt mũi ai cũng như phim “Người trong giang hồ”, tụi sinh viên hiền khô như cục đất của Việt Nam lần đầu thấy ai cũng sững sờ rợn tóc gáy.

Những ngày đầu, không có đồ ăn, mượn được thực phẩm của mấy anh Thái 2-3 buổi đầu tiên, những ngày sau, đi làm về tới nhà 7 rưỡi tối, 8h mấy thằng lục đục chạy ra Bus đón xe đi chợ cách 40km. Lần nào đi cũng về tới nhà gần 2h, chợp mắt được 3 tiếng rồi phải dậy đi làm liền. Liên tục trong 1 tháng, tuần nào cũng phải thay nhau đi chợ như vậy. Chừng 1 tháng thì thân với các anh Thái Lan, giao lưu banh bóng với các bạn Châu Phi mỗi chiều cuối tuần, cởi mở hơn với các anh Ả Rập bên cạnh.

Dưới cái nóng khô đỉnh điểm tháng 8 của Sa mạc Arava (40 – 45 độ C), thời gian đầu bọn sinh viên mình đi làm rất đuối, ấy rồi cũng hòa nhập tốt với công việc và chạy kịp tốc độ làm việc của Worker Thái Lan. Mọi thứ đều okie trừ duy nhất 1 điều, tụi mình gặp phải một quản lý người Do Thái không đang hoàng, mới tới trước tụi mình 1 tháng. Từ giờ làm đến giao việc, ông này làm việc rất ẩu, ngày lễ và giờ làm bị cắt một cách vô tội vạ, lí do duy nhất ổng giải thích là “do máy tính”, và việc đã rồi không xử lí được, vì đây là công ty lớn, mất nhiều quy trình. Thông cảm cho qua lần đầu, ông cứ lặp lại và lấn tới, khi mình complain lại thì ông la: tụi tao cho tụi bay công việc, làm được rất nhiều tiền so với khi mày ở VN, đúng là được voi đòi tiên”. Thì không thể im lặng được nữa, ổng dọa cho nghỉ việc trừ lương đuổi về nước các kiểu nếu cứ đòi như vậy.

Đáp lại, mình nhấn mạnh:” Thứ 1, mình cần rõ ràng mọi việc, từ giờ giấc đến việc được tính lương như thế nào, chứ không mập mờ rồi không biết mình đang làm cái gì. Thứ 2, mình qua đây để học, học những cái hay những cái ở VN chưa có, chứ cần tiền thì đi xuất khẩu LĐ sang những nước khác, chưa tới lượt phải qua đây. Thứ 3, tiền là cần thiết để duy trì cuộc sống và thiết lập cho dự án, kế hoạch tương lai, nhưng nó không phải là đích đến cuối cùng của đời người.”

Mình biết chắc mình không sai điều gì, mình có lòng tự trọng của mình, CỦA MỘT NGƯỜI TRẺ VIỆT NAM MUỐN NGẨNG CAO ĐẦU MÀ SỐNG, nên complain yêu cầu gặp sếp lớn của công ty nói chuyện (cũng may mình có chút vốn tiếng anh có thể giao tiếp được). Cũng vì đã đi làm 2 năm ngoài xã hội trước khi qua nên mình không ngại những chuyện như thế này, đó là quyền lợi chính đáng của mình và là lòng tự trọng cần phải có khi bị coi rẻ. Chứ nếu mới ra trường mình cũng không dám mạnh miệng như vậy, có lẽ đã phải “chịu nhường nhịn, kệ nó nói gì thì nói, làm gì thì làm, mất công nó gây khó dễ ép này ép nọ”. Rồi nó khinh nó coi rẻ giá trị mình, xa hơn là đánh đồng tất cả sinh viên VN mình. Đến khi mình tìm mọi cách liên hệ với Boss lớn, ổng tìm cách trốn tránh (định đợi một thời gian định kiến nghị lên trường), mình yêu cầu liên tục, rồi ông mới xoa dịu, mới chịu thay đổi mọi thứ y như Worker Thái lan yêu cầu. Những công nhân Thái lan họ không nói được tiếng Anh, nên khi mình gắng giải quyết vấn đề với Ông quản lí họ nể mình lắm, càng ngày càng mến và quý mình hơn. Mãi tận giờ mấy ổng bị chuyển chỗ làm cách xa 100km cũng vẫn thấy rất tình cảm, lần nào tới thăm là đưa cả đống đồ ăn.

Quay lại, 3 tháng đầu ở “trại tập trung”, tụi mình có một đêm huy hoàng khi trái đất vừa quay tròn 1 vòng. 1h sáng, khi tất cả đang chìm trong giấc ngủ mộng mị thì nghe những tiếng đập cửa dồn dập, cả phòng giật mình bật dậy, hai từ YALA YALA (“nhanh lên” trong tiếng Hebrew) liên tục vang lên. Bước ra đến cửa, cả bọn thấy toát mồ hôi, sợ run người không biết chuyện gì xảy ra. Một đại đội khoảng 70 cảnh sát quân đội bao vây chật kín, đến con chuột cũng khó mà thoát ra huống chi người. Họ yêu cầu ra ngoài xếp hàng, bắt đầu khám xét từ nhà tắm đến phòng ở với các thiết bị radar máy dò tìm quân sự. Một hồi, họ trình bày lí do kiểm tra và cho Việt Nam và Thái Lan qua ở một bên, còn khu của Ả Rập họ làm rất căng, dò xét chứng minh và hỏi kỹ lưỡng từng người, để làm gì thì chắc các bạn cũng hiểu. Xong việc, khi không có vấn đề gì bất thường, họ mỉm chào rồi rút đi, nhanh gọn trong nháy mắt.

Một ngày lên Jerusalem chơi, buổi sáng tinh mơ ghé shop lưu niệm, thằng ku em bị ông chủ mắng vốn “GET OUT OF HERE, BIG MAFIA CHINA” vì ngó hàng miết mà hẻm có cái nào ưng để mua, đầu dựng tóc gáy SHOCK tập 1. Tới bến xe Bus mua vé về, hết vé hem mua được, bác tài xế Taxi đon đả chào mời “đi đi, tao chở tụi bay đi!”, hỏi bao nhiều tiền thì ổng kêu ít thôi, có đồng hồ đo mà lo gì, lấy Maps đo đường hỏi giá thì ổng báo tới gần 1000 Nis (gần 6 triệu vnd), nói sinh viên hem có tiền cái ổng chửi luôn “GO AWAY FROM HERE”, SHOCK tập 2. Đứa bạn bắt xe từ thành cổ ra trung tâm Jerusalem, tài xê báo giá 50 Nis cho 2km, tới nơi thành 50 USD, nói do hùi nãy mày không nghe rõ, cũng phải ngậm ngùi đưa cho nhanh. Trước khi đi, ông còn nói xin lỗi, tại tại đang khó khăn quá nên mới phải làm vậy, mày thông cảm cho tao rồi phóng vụt đi, SHOCK tập 3, Người DO THÁI đây sao ?

Trên trường, được dạy rất nhiều môn, có những môn rất hay mà cũng có những môn nhàm chán, cũng có môn đã học ở VN. Thầy cô ở đây thì rất nhiệt tình và tâm huyết, điều này khỏi phải bàn nhiều. Những bạn ở Moshav rất may mắn vì vừa được học lý thuyết trên trường vừa được thực hành thực tế trên Farm cùng những loại cây trồng có thể áp dụng ngay tại Việt Nam như ớt, dưa lưới, dưa hấu, rau củ cải các loại, các bạn được chủ hướng dẫn làm trực tiếp, từ việc cày đất làm luống đên cắt cành lá sao cho cây thông thoáng không bệnh, đến khi thu hoạch đóng gói và xuất đi,… Thế nhưng những bạn rơi vào Farm Chà là, bò sữa như tụi mình thì xác định, về VN áp dụng thực tiễn ra sao, vậy học được gì 1 năm ở đây???

Còn một vấn đề, nhiều bạn qua mong tích cóp được ít vốn để về VN khởi nghiệp, nhưng rơi đúng Farm xấu, công việc ít, chỉ mang về được chừng 1500usd, một năm của bạn coi như đi tong. Đấy là chưa kể có một bạn gặp phải những ông chủ xấu, đối đãi TNS như con ghẻ. Bị bệnh hay tai nạn lao động gì họ cũng chỉ hỏi thăm lơ qua cho xong…

… và còn nhiều câu chuyện buồn từ các bạn khác nữa,….

NHƯNG… CÓ MỘT THỰC TẾ LÀ….

Chuyện ở ngoài Kibbutz tuy có chút shock lúc đầu, nhưng rồi cũng quen, sống được và rất tốt là đằng khác. Người Thái Lan, Ả rập, Kenya, Sudang đều sống được lẽ nào mình không?. Nhà ở của những người lính nghĩa vụ ở Israel cũng là những Container như mình, đó là một phát kiến hay, nay đã được tận dụng nhiều nơi trên thế giới, trong đó có VN, hình thức nhà ở Container đang trở thành một mốt mới. Giờ đây khi được ở chỗ mới tốt hơn, tụi mình vẫn thấy nhớ nơi đó, nhờ mùi bụi và cảm giác giữa vòng vây, thậm chí là tự mình khâm phục mình nữa, sao có thể sống tốt được ở đó, điều mà mình cảm thấy rất vất vả buổi ban đầu.

Cảnh sát Quân đội kiểm tra đột suất lúc nửa đêm là chuyện bình thường, An ninh ở bên này được siết chặt cao, đó là điều mà bạn sẽ không thể biết nếu chỉ đọc xem qua truyền thông. Tại các điểm vào siêu thị trung tâm hay bất cứ lối vào thăm quan gì, bạn đều phải qua máy quét cửa an ninh và 1 2 người kiểm tra tư trang, nếu có vật nhọn sắc bạn sẽ phải để nó ở ngoài. Dọc quốc lộ có những điểm check point, nếu bạn là người Ả rập bạn phải trình thẻ chứng mình hoặc Passport, đi đâu làm gì sẽ được lưu lại và các điểm checkpoint sẽ kiểm tra đối chéo với nhau. Tại các trang mạng du lịch quốc tế đều khẳng định Israel là nơi kiểm soát an ninh chặt chẽ nhất thế giới. Trước lúc qua, Có bạn mình khuyên “mày qua đó làm gì, bom đạn khủng bố không đó, Isis gần đó, Syria sát phía trên”. Mình chỉ im lặng gật gật và không nói gì, chỉ đáp lại, nếu thích an toàn thì tao đã đắp chăn ở nhà xem phim thu dam (thử đầm) cho sướng rồi, không ra thành phố lớn bon chen chi. Nghĩ xem, 1 vụ tai nạn ô tô xe khách bình thường lấy đi mười đến bốn chục sinh mạng, một năm biết mấy trăm vụ, chưa kể xe máy, hàng năm con số thương vong và ra đi chắc phải lên 4-5 con số, đó là chưa kể những ca ung thư vì thực phẩm đang lên một cơn số báo động. Xét lại bên này, số vụ đánh bom khủng bố trung bình 1 năm từ trước tới giờ chưa chắc đã bằng 1 vụ tai nạn xe tải ở VN, an ninh được kiểm soát như thế này thì mức độ nguy hiểm chắc gì đã bằng việc bạn đi ngoài đường bị thằng say xe nó hất, bị cướp giật, bị đánh oan bởi côn đồ, bị cho ăn thực phẩm bẩn, thực phẩm hóa chất,… Nói tóm lại là gần 10 năm chương trình Tu Nghiệp Sinh được thực hiện, chưa có trường hợp nào chết bởi bom đạn khủng bố cả.

Về quản lý (Palabay) tụi mình từ những vụ đó đã khác hơn, nói chuyện hợp tác với nhau hơn dù cái định kiến trong người của ông cũng chưa thay đổi, có điêm tích cực là ông có vẻ tốt hơn, giúp tụi mình nhiều thứ. Khi có việc gì quan trọng là mình liên hệ nói chuyện thẳng với Boss luôn, rút kinh nghiệm những lần trước để đỡ mệt óc. Những quản lí như thế này cũng ít, chỉ là một phần thiểu số rất nhỏ nên cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều, có rất nhiều quản lí tốt mà các ông thái lan hay nhắc, đó mới là những người mình cần học cách làm xếp của họ.

Những chuyện không hay gặp ở Jerusalem chỉ là là những chuyện nhỏ nhặt, chắc chiếm trên đầu ngón tay so với những trường hợp tốt khác mình chưa kể với các bạn. Điển hình như Hitch-Hiking ( Asking for lift) tạm gọi là đi nhờ xe, những ngày Shabbat (thứ 7) xe cộ không hoạt động (hoặc trễ), hầu như khi nào đi ra cũng được ai đó cho đi nhờ. Hôm thì một cô sinh viên chưa bao giờ cho ai đi nhờ dừng cho đi, hôm khác có hai ông bà cho đi nhờ lúc 7h tối ở đoạn đèo vắng, họ nói lúc đầu định qua rồi nhưng thấy tội quá nên quay lại, tụi mình xúc động sướt mướt, dù trước đó đi bộ hơn 6km để ngắm những vì sao giữa sa mạc như SANTIAGO. Hay việc mình ngồi nghỉ trong gốc cây giữa sa mạc có người đi xe tới hỏi có chuyện gì cần giúp đỡ, xem mình ổn không có gì rồi mới đi. Hay như khi đi Jeru, Tel aviv đi đây đi đó, hỏi thăm gì cũng được giúp đỡ tận tình, Hay được bác bảo vệ nhắc nhở không được đeo tai nghe khi đi xe, Ông Boss bắt mua đèn xe đạp khi đạp xe đi, hai người xa lạ cho nước uống khi đang khát nước giữa sa mạc, .. vân vân và vân vân,… nhiều lắm kể không hết !

Nếu qua mà trúng Farm Chà Là, Bò sữa thì học được gì? Yên tâm nhé, ngoài được thầy cô nhiệt tình truyền giảng trên lớp bạn luôn có cơ hội dành những ngày nghỉ đi thăm Farm các bạn mong muốn, quan trọng bạn có chịu khó xã giao và làm quen không thôi, chứ Leader và ai ai cũng đều welcome bạn cả. Bạn muốn biết gì, hỏi gì đều có chỗ để hỏi, việc còn lại là bạn có siêng đi không, YES hoặc No thôi. Ngoài ra, hãy chịu khó quan sát, học hỏi tư duy, cách sống của những người dân ở đây. Nếu ở Kibbutz, bạn sẽ có thời giản rảnh rất nhiều để thăm thú trải nghiệm cuộc sống ở đây, mình luôn tranh thủ những ngày này để đi leo núi, đạp xe, đi biển chết, biển đỏ, đá banh với tụi nhỏ, lang thang đâu đó ở Israel để nhìn, ngắm học hỏi gì đó cho thời gian ngắn ngủi nơi đây. Dành 1/3 số tiền làm được để đi trải nghiệm, du lịch, còn lại cho ăn uống và để dành sau khi về cho mục tiêu xa hơn.

……

TÓM LẠI, TỦI NHỤC À, KHÔNG CÓ, KHÔNG HỀ !

Mình kể ra đây để thấy rằng, những chuyện như mình gặp đều có thể đến với bất kỳ TNS nào. Những người không đang hoàng lịch sự thì đâu cũng có thể gặp, nhưng chỉ chiếm một phần trăm rất nhỏ. Đời không phải là màu hồng nhưng hãy luôn nhìn về hướng tích cực, đó mới là năng lượng giúp mình đi lên, học hỏi được nhiều thứ. Ngược lại, sẽ chỉ kéo mình giật lùi hoặc chìm luôn biển sâu. Cũng giống như, 1 Tờ giấy trắng A4 có một chấm mực nhỏ ở giữa, nếu cứ tập trung vào chấm mực nho nhỏ đó, đôi mắt đã bỏ qua một tầm nhìn ngời sáng rộng lớn bao quanh toàn cảnh và thấy rằng, vết mực đó chỉ bằng 1/100000… mà thôi, Hãy trang bị cho mình một hành trang tâm lý vững vàng!

Đã qua 10 tháng, dẫu có trải qua những chuyện gì, mình vẫn hạnh phúc và hài lòng với quyết định sang Israel. 10 tháng rồi hít thở bầu không khí trong lành, nghe tiếng chim hót thánh thót mỗi ngày, được cảm nhận cái nóng nhất đỉnh điểm của mùa hè 45 độ, và cũng được tận hưởng cái lạnh giá 2 độ với tuyết trên tay, cũng từng đi qua những miền đất thánh thiêng liêng, được đi giữa rừng cây xanh của đại lộ Silicon Tel Aviv, được ngâm mình lênh bềnh dưới biển chết, biển địa trung hải, ngắm hoàng hôn buông giữa ngã 3 quốc tế Jordan – Israel – Ai Cập, được gặp và giao lưu với rất nhiều người do thái, những buổi banh bóng với con nít, hay những màn giao lưu hát hò cùng bạn trẻ do thái, cả buổi tám chuyện chuyện tình cờ với những người già,… Làm sao có thể hồi tưởng hết được.

Nghĩ việc rời xa nơi đây cũng thấy tiếc, nhưng phải về, phải trở về, vì đó là quê hương, dù tốt dù xấu cũng chỉ có một. Giữa việc ra đi tìm chỗ khác tốt hơn và cải tạo nó, làm nó trù phú phồn thịnh hơn, mình chọn cái thứ 2, biết rất khó, nhưng dễ thì ai cũng làm được rồi.

Israel một ngày hè!

Admin 6pack.

Page -@Những ngày tháng Do Thái

By admin

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *