Thu. Apr 25th, 2024

1 – Đặt vấn đề

      Phúc lợi nghĩa là hạnh phúc và lợi ích. Nhà nước phúc lợi nghĩa là Nhà nước mang lại hạnh phúc và lợi ích cho nhân dân. Đó là mục tiêu và cũng là động lực phát triển của các Nhà nước tiến bộ trên toàn thế giới. Nhưng có phải Nhà nước nào cũng làm được điều đó? Xu hướng phát triển là tất cả các Nhà nước đều mong muốn đạt được. Mặc dù vậy, trong thời đại ngày nay khi còn nhiều những vấn đề mang tính toàn cầu đang đe dọa các Nhà nước như: khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, bất ổn chính trị và đói nghèo…khiến cho vấn đề xây dựng và phát triển Nhà nước phúc lợi gặp nhiều khó khăn. Bởi Nhà nước phúc lợi phải được xây dựng trên nền tảng một Nhà nước phát triển với nền chính trị – kinh tế ổn định và phát triển cùng với một hệ thống các chính sách phúc lợi hợp lòng dân của Nhà nước. Đan Mạch là một trong số rất ít các quốc gia có hệ thống phúc lợi xã hội hoàn hảo và được đánh giá là Nhà nước phúc lợi xã hội – đất nước hạnh phúc nhất thế giới.

2 – Hệ thống phúc lợi xã hội của Đan Mạch

      Mô hình nhà nước phúc của Đan Mạch được manh nha hình thành từ rất sớm khi Đan Mạch áp dụng bảo hiểm hưu trí vào năm 1891, bảo hiểm ốm đau tự nguyện vào năm 1892. Cho đến những năm 1930 của thế kỷ XX, hệ thống nhà nước phúc lợi của Đan Mạch tiếp tục được hoàn thiện và hệ thống này được gọi với cái tên là Hệ thống bảo hiểm quốc gia.

      Hệ thống bảo hiểm hưu trí của Đan Mạch được áp dụng từ rất sớm. Từ năm 1945, đặc biệt là vào năm 1956, hệ thống bảo hiểm hưu trí toàn quốc được áp dụng cho tất cả công dân Đan Mạch. Cũng trong thời gian này, các dịch vụ y tế, sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác được hoàn thiện dần. Trong những năm 1960, mô hình hệ thống phúc lợi hiện đại của Đan Mạch chính thức được thành lập.

      Trong những năm 1970, các dịch vụ về việc làm ở Đan Mạch chính thức chuyển chức năng từ phía các nghiệp đoàn sang phía nhà nước. Trong thời gian này, nhà nước bắt đầu đóng vai trò lớn hơn trong các chức năng cung cấp việc làm và phân phối quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Luật An sinh xã hội của Đan Mạch chính thức được cải cách từ năm 1976 và được thay thế bằng Luật An sinh xã hội năm 1998 mang lại nhiều nguồn quỹ an sinh và nhiều dịch vụ xã hội hơn cho tất cả công dân Đan Mạch.

      Đánh giá về mô hình Nhà nước phúc lợi Đan Mạch, người ta nói rằng “người nghèo được hưởng quá nhiều và người nghèo thì quá ít”. Đây được coi là mô thức của Nhà nước phúc lợi Đan Mạch và mô thức đó được duy trì đến tận ngày nay đem lại sự thịnh vượng cho đất nước và cho từng người dân Đan Mạch.

      Song song với một nền kinh tế phát triển, Đan Mạch đã thực hiện phân phối lại thu nhập trong xã hội. Với công cụ chính là thuế, Đan Mạch đã đạt được sự bình đẳng thu nhập cho mọi người dân và mọi người dân đều có được đời sống vật chất đầy đủ nhất. Nguồn thu này chủ yếu giành cho các mục tiêu phúc lợi xã hội toàn diện của chính phủ.

      Ở các nước Bắc Âu nói chung và Đan Mạch nói riêng, người dân đề cao khẩu hiệu: “đóng thuế cao để duy trì mức sống cao”. Lý giải của họ về điều này là: nếu đóng thuế cao, thì ngày mai chính quyền sẽ lo cho họ và gia đình họ khi họ đau yếu, già cả, thất nghiệp hay thiên tai. Hơn nữa, khi cùng đóng thuế, mọi người thấy mình đều bình đẳng. Người đóng thuế cao cảm thấy mình mang lại lợi ích cho xã hội. Người nhận lợi tức thấp không cảm thấy bị mặc cảm khi bị xã hội bố thí hay tài trợ vì họ cũng đóng góp giống như những người khác, khi gặp khó khăn thì những đại diện xã hội đến giúp đỡ là chuyện bình thường. Chính vì vậy, mọi người dân đều cố gắng làm việc, làm việc nhiều hơn để có thêm thu nhập và để xã hội có thêm phương tiện để đem lại phúc lợi cho nhiều người hơn. Càng làm việc thì càng có nhiều tiền, càng có nhiều tiền thì càng có mức sống cao, kéo theo xã hội càng phát triển, mọi người càng có cơ hội việc làm và gia tăng thu nhập.

      Hệ thống phúc lợi xã hội của Đan Mạch được thực hiện trên quy mô lớn và tập trung vào 3 trụ cột cơ bản gồm: giáo dục, chăm sóc trẻ em và phát triển thị trường lao động linh hoạt.

      Thứ nhất, chú trọng đến chính sách giáo dục để tạo nên sự phát triển bền vững

Chính phủ Đan Mạch chi tiêu mạnh cho giáo dục. Hàng năm, chi tiêu cho giáo dục của Đan Mạch chiếm tới 7% tổng sản phẩm quốc dân.

Ở Đan Mạch, hệ thống giáo dục được Nhà nước miễn phí hoàn toàn. Đồng thời khuyến khích chế độ học tập suốt đời. Học sinh từ cấp tiểu học đến thạc sĩ được hưởng sự miễn phí giáo dục từ phía Nhà nước, trong khi những người học tiến sĩ được coi là làm nghiên cứu nên được Nhà nước trả lương theo mức quy định. Sinh viên trên 18 tuổi được nhận tiền trợ cấp giáo dục của Chính phủ, tương đương khoảng 400 đô la Mỹ/tháng (cho học sinh sống cùng bố mẹ) và khoảng 750 đô la Mỹ/tháng cho những sinh viên sống tự lập trong thời gian tối đa 6 năm để theo học các bậc cao hơn. Ngoài ra, sinh viên theo học các chương trình dài hạn có thể được vay tiền của Chính phủ với khoản vay tối đa là 400 đô la Mỹ/tháng . Chính phủ cũng cung cấp chi phí đi lại, sách vở cho học sinh và sinh viên một cách miễn phí.

      Thứ hai, về chăm sóc sức khỏe gia đình và trẻ em

Đan Mạch là đất nước có hệ thống chăm sóc trẻ em thuộc diện lâu đời nhất châu Âu, khoảng 170 năm. Có tới 80% trẻ em Đan Mạch ở độ tuổi từ 6 tháng đến 9 tuổi được Chính phủ hỗ trợ các điều kiện chăm sóc. Từ năm 1976, chế độ chăm sóc trẻ em đã được chính quyền trung ương phân cấp cụ thể cho chính quyền địa phương. Trách nhiệm của chính quyền địa phương ngày càng lớn, từ trách nhiệm thu thuế, chăm sóc trẻ em, giáo dục trẻ em từ 7 đến 16 tuổi, giáo dục người lớn, các hoạt động văn hóa, thể thao, chăm sóc người già.

      Nhà nước hỗ trợ cho các gia đình có trẻ em những dịch vụ xã hội chủ yếu nhất. Chính quyền địa phương có trách nhiệm cung cấp từ 70 – 75% các dịch vụ xã hội này cho các gia đình có trẻ nhỏ. Do được hưởng chế độ chăm sóc trẻ em theo ngày, các bà mẹ có con nhỏ có thể đi làm và tỉ lệ phụ nữ đi làm ở Đan Mạch cũng thuộc diện cao nhất thế giới.

      Những người làm cha, làm mẹ có quyền nghỉ việc tạm thời để chăm sóc trẻ nhỏ. Thời gian nghỉ việc tạm thời là 24 tuần, trong đó 14 tuần đầu giành cho người mẹ và 10 tuần sau có thể sắp xếp giữa cha và mẹ. Trong thời gian nghỉ ốm, cha mẹ đứa trẻ được hưởng lợi ích thất nghiệp. Pháp luật quy định thời gian được nghỉ để chăm sóc trẻ từ 0 – 8 tuổi ít nhất là 8 tuần và không quá 52 tuần. Trong thời gian nghỉ việc, lương của cha mẹ đứa trẻ tính bằng 60% mức trợ cấp thất nghiệp cao nhất.

      Chính sách chăm sóc trẻ em ở Đan Mạch xuất phát từ một số lý do như: tạo ra sự bình đẳng giới, khuyến khích tỉ lệ lao động nữ tham gia thị trường lao động, cải thiện tài chính cho các hộ gia đình và thúc đẩy sự phát triển của trẻ nhỏ. Chính sách chăm sóc trẻ em của Đan mạch được đánh giá là đem lại nhiều điều kiện đầy đủ nhất cho trẻ em so với nhiều nước phát triển trên thế giới.

      Thứ ba là chính sách thị trường lao động

Chính sách thị trường lao động của Đan Mạch được đánh giá là linh hoạt nhất châu Âu. Chính sách này dựa trên ba yếu tố chủ yếu và tất cả các yếu tố đều phụ thuộc lẫn nhau: Yếu tố thứ nhất là thị trường lao động linh hoạt, tức là dễ dàng thuê và cũng dễ dàng sa thải người lao động. Như vậy có thể cho phép các công ty có thể thích nghi với điều kiện thị trường và công nghệ mới. Yếu tố thứ hai là đảm bảo an sinh xã hội. Hầu hết người đan mạch đều có thể xin được trợ cấp xã hội nếu mất việc làm và trợ cấp của Đan Mạch cũng hào phóng hơn nhiều quốc gia khác. Yếu tố thứ ba là chính sách thị trường lao động chủ động. Chính sách này đảm bảo hỗ trợ cho người thất nghiệp tìm kiếm việc làm mới và đầu tư lớn cho đào tạo và tái đào tạo. Thay vì hỗ trợ việc làm đã bị mất sang các quốc gia khác, Đan Mạch đào tạo cho người dân đủ khả năng tìm công việc mới.

      Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là một trong những nhân tố chủ yếu của chính sách thị trường lao động linh hoạt. Những người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là những người đã có đủ 52 tuần làm việc đầy đủ và bị mất việc tạm thời. Lợi ích của người hưởng bảo hiểm thất nghiệm là 90% thu nhập thực tế trước đó sau khi đã giảm trừ đi 8% cho quỹ an sinh thu nhập.

      Ngoài bảo hiểm thất nghiệp, những người thất nghiệp còn được hưởng trợ cấp xã hội. Khoản trợ cấp này bằng 80% mức tối đa của trợ cấp thất nghiệp cho những đứa trẻ sống với cha mẹ và ở mức 60% cho các đối tượng khác. Tổng mức trợ cấp xã hội không thể vượt quá mức 90% thu nhập thực tế trước đó. Ngoài ra người lao động còn được hưởng lợi ích về nhà ở. Lợi ích này được phân phối cho những người có thu nhập thấp và những người phải thuê căn hộ với giá cao.

      Bảo hiểm hưu trí là nhân tố không thể thiếu trong chính sách thị trường lao động của Đan Mạch. Hệ thống bảo hiểm hưu trí của Đan Mạch được chia làm hai phần: bảo hiểm về hưu non và bảo hiểm về hưu trí cho người già. Bảo hiểm về hưu non được phân trách nhiệm cho chính quyền địa phương, áp dụng cho những người ở độ tuổi từ 18 – 65. Đó là những người đang còn có khả năng làm việc nhưng phải về hưu do các lý do như ốm đau hay các nguyên nhân xã hội khác. Hệ thống bảo hiểm hưu trí cho người già áp dụng cho những người ở độ tuổi 65. Tiền hưu trí cơ bản là khoảng trên 1000 đô la Mỹ. Tuy nhiên chính quyền địa phương có thể xem xét để trợ giúp thêm cho từng trường hợp đặc biệt. Trong vài năm gần đây, chính phủ Đan Mạch đã đưa ra một số biện pháp để duy trì số người ở độ tuổi lao động trên thị trường lao động tới một độ tuổi cao hơn. Quốc hội Đan Mạch cũng đã thông qua những khấu trừ thuế có lợi cho những người trên 64 tuổi vẫn đang làm việc. Quốc hội cũng đã quyết định hoãn tuổi tối thiểu được hưởng chế độ hưu trí tự nguyện từ 60 sang 62 tuổi. Chế độ này đang trở thành tiêu điểm hấp dẫn nhiều người Đan Mạch.

      Chính sách thị trường lao động linh hoạt của Đan mạch hiện nay được đánh giá rất cao. Nhờ chính sách này, các công ty của Đan Mạch trở thành những công ty có khả năng cạnh tranh nhất trên thị trường thế giới. Đặc điểm chủ yếu của chính sách thị trường lao động linh hoạt của Đan Mạch những năm gần đây là:

      Thứ nhất, công nhân Đan Mạch nằm trong đội ngũ lao động có tổ chức kỷ luật cao nhất thế giới, trong đó 85% lực lượng lao động tham gia các nghiệp đoàn. Do chủ lao động có năng lực tổ chức cao, nên thị trường lao động luôn hoạt động tốt mà không cần nhà nước can thiệp.

      Thứ hai, những người thất nghiệp nhanh chóng có cơ hội tìm được việc làm mới nhờ chính phủ Đan Mạch chú trọng đầu tư vào giáo dục và tái đào tạo. Cơ hội tái đào tạo tốt cũng đồng nghĩa với việc các ngành công nghiệp thiếu lao động hoặc các ngành công nghiệp mới không phải mất nhiều thời gian để chờ lao động, vì vậy tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp này là rất cao.

      Thứ ba, tỷ lệ lao động ở nữ giới rất cao, khoảng 73,1% so với mức 79,4% của nam giới. Như vậy, cả nam và nữ đều có cơ hội có việc làm đầy đủ ở Đan Mạch. Chế độ chăm sóc trẻ em hoàn hảo khiến các bậc cha mẹ có thể yên tâm làm việc đủ 37 tiếng một tuần mà không phải lo lắng đến chuyện phải chăm sóc con em mình như thế nào.

3 – Một số bài học kinh nghiệm

      Thứ nhất, Nhà nước cần tăng cường các biện pháp phát triển kinh tế để tạo cơ sở và động lực cho thực hiện các chính sách phúc lợi và an sinh xã hội, bởi vì chính sách phúc lợi và an sinh xã hội chỉ được đảm bảo thực hiện tốt nhất, toàn diện nhất khi có nền kinh tế phát triển cao và bền vững. Thực tế cho thấy, dù Nhà nước có ban hành các chính sách phúc lợi và an sinh xã hội ưu việt đến đâu, dù muốn đầu tư cho phát triển giáo dục quốc dân hay phát triển hệ thống y tế hoàn hảo, nhưng nếu không có những nguồn lực vật chất – kinh tế vững mạnh thì rất khó để thực hiện nếu không muốn nói là không thể thực hiện được.

      Sở dĩ, Đan Mạch thành công trong xây dựng Nhà nước phúc lợi là vì Đan Mạch có một nền kinh tế phát triển cao. Đời sống của người dân Đan Mạch thuộc vào loại cao nhất thế giới. Theo số liệu năm 2010, GDP của Đan Mạch là 304, 06 tỉ đô la Mỹ; thu nhập bình quân đầu người ở Đan Mạch là trên 36.000 đô la Mỹ và được phân bố đồng đều, sự chênh lệch giàu nghèo là không đáng kể.

      Ở nước ta, trong những năm qua, mặc dù Nhà nước đã nỗ lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhưng các điều kiện an sinh xã hội của người dân nhìn chung vẫn còn thấp và chưa đồng bộ do xuất phát điểm kinh tế thấp, hơn nữa lại thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai nên các điều kiện về kinh tế, cơ sở vật chất – kỹ thuật còn hạn chế.

      Về chiến lược lâu dài, Nhà nước cần có những chính sách phát triển kinh tế hợp lý thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, tạo cơ sở cho việc thực hiện thành công các chính sách an sinh xã hội. Nhưng trước mắt, Chính phủ cần chỉ đạo để thực hiện thành công Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

      Thứ haigiải quyết tốt chính sách lao động, việc làm và thu nhập. Tạo ra việc làm luôn là trọng tâm ưu tiên của chính sách phúc lợi và là đặc điểm nổi bật của Nhà nước phúc lợi. Đây là một vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, bởi vì nó liên quan đến quốc kế dân sinh và năng lực điều hành phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước. Trên cơ sở đầu tư phát triển kinh tế, Nhà nước phải hết sức quan tâm đến yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động; tạo điều kiện giải quyết ngày càng nhiều việc làm cho người lao động, đặc biệt là lực lượng lao động trong độ tuổi thanh niên và lao động cho nữ giới. Hoàn thiện pháp luật về dạy nghề; ban hành chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, đào tạo giáo viên, hỗ trợ cơ sở hạ tầng nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng dạy và học, gắn dạy nghề với nhu cầu thực tế. Tăng cường khả năng tự tạo việc làm hoặc xin được việc làm mới cho người lao động.

      Song song với các biện pháp phát triển lao động và việc làm, cần khắc phục những bất hợp lý về tiền lương, tiền công, trợ cấp xã hội phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của đất nước; gắn cải cách tiền lương với sắp xếp, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Gắn tiền lương của người lao động với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Chăm lo bảo hộ lao động; cải thiện điều kiện làm việc; hạn chế tai nạn lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật lao động, đưa việc thi hành pháp luật lao động vào nền nếp, xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa, tiến bộ. Tất cả các biện pháp quản lý, điều hành đều phải quan tâm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, giúp họ tái tạo sức lao động, có điều kiện chăm sóc gia đình, tạo động lực nâng cao năng suất lao động cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

      Thứ ba là,  chính sách phát triển giáo dục – đào tạo, cung cấp các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe toàn dân luôn luôn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng và nên được ưu tiên đầu tư lớn nhằm phát triển kinh tế và hưng thịnh quốc gia. Đây là những chính sách liên quan trực tiếp đến sức mạnh của một quốc gia trên các mặt thể lực và trí lực. Trách nhiệm của Nhà nước là phải đảm bảo sức khỏe và  nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân vì đó là những tiền đề cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời cũng là tiêu chí quan trọng trong đánh giá sự phát triển và tiến bộ của một quốc gia.

      Thứ tư là, tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc phân phối lại thu nhập và phân phối các lợi ích phúc lợi xã hội nhằm đảm bảo công bằng xã hội, tăng cường mức độ hưởng thụ phúc lợi xã hội cho người nghèo.

Ở Đan Mạch, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc phân phối lại thu nhập và tổ chức phân phối các lợi ích phúc lợi xã hội một cách toàn diện cho từng người dân trong xã hội, do vậy tình trạng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Đan Mạch là không đáng kể.

       Ở nước ta, tình trạng phân hóa về thu nhập hay phân hóa giàu nghèo đang có xu hướng gia tăng. Từ sự khác biệt về thu nhập dẫn đến sự khác biệt rõ ràng về chất lượng sống giữa nhóm giàu với nhóm nghèo. Điều mà chúng ta thấy rõ là người giàu thì sẽ có điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống tốt hơn nhiều so với người nghèo. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay với sự bùng phát của rất nhiều các dịch vụ xã hội. Để khắc phục tình trạng này cần thiết phải tăng cường vai trò của Nhà nước trong phân phối lại thu nhập và phân phối các lợi ích phúc lợi xã hội nhằm đảm bảo công bằng xã hội, tăng cường mức độ hưởng thụ phúc lợi xã hội cho người nghèo.

      Bên cạnh các biện pháp phân phối lại thu nhập như: thông qua công cụ chính là thuế, Nhà nước cần tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với các dự án như: dự án tín dụng cho hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh; dự án hướng dẫn cho người nghèo cách làm ăn, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo; dự án hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề ở các xã nghèo; dự án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo và cán bộ các xã nghèo;…Đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức xóa đói, giảm nghèo gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm để xóa đói, giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện và khuyến khích người đã thoát nghèo vươn lên làm giàu và giúp đỡ người khác thoát nghèo.

      Thứ năm là, Nhà nước cần tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, vượt qua khó khăn hoặc các rủi ro trong đời sống. Tăng tỉ lệ lao động tham gia các hình thức bảo hiểm. Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ bảo hiểm xã hội, chuyển các loại hình trợ giúp, cứu trợ xã hội sang cung cấp dịch vụ bảo trợ xã hội dựa vào cộng đồng. Bảo đảm cho các đối tượng bảo trợ xã hội có cuộc sống ổn định, hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng, có cơ hội tiếp cận nguồn lực kinh tế, dịch vụ công thiết yếu.

      Bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và phục vụ vì lợi ích của nhân dân, nên việc xây dựng một Nhà nước phúc lợi – Nhà nước mang lại hạnh phúc và lợi ích cho nhân dân là xu hướng hợp thời đại và hợp với lòng dân. Hệ thống phúc lợi xã hội của Đan Mạch cùng với những thành tựu của nó đáng để chúng ta học tập và rút ra một số bài học kinh nghiệm trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước vì nhân dân ở nước ta hiện nay.

Tài liệu tham khảo

1. Mô hình phát triển Bắc Âu (Giáo trình đại học và trên đại học chuyên ngành châu Âu học), Đinh Công Tuấn, NXB Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, 2011.

2. Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XI, Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

Tác Giả Dương Đình Thảo. Bài đăng trên Tạp chí Tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ năm 2012. Số hiệu ISSN 0868-7683

By admin

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *